XEM NHANH
  • Visa là gì?
  • Có những loại visa nào?
  • Passport là gì? Hộ chiếu và Visa khác nhau như thế nào?
  • Thủ tục xin cấp visa như thế nào?
  • Hồ sơ xin cấp visa gồm những giấy tờ là gì?
  • Các trường hợp, đối tượng được miễn visa/thị thực
  • Các nước nào miễn visa cho người Việt Nam?
  • Kinh nghiệm khi phỏng vấn xin visa thành công là gì?
  • ĐĂNG KÝ NHẬN BÁO GIÁ

    Visa là gì? Những trường hợp nào được miễn thị thực và thủ tục xin visa

    Trong thời đại ngày nay, việc du lịch và làm việc ở nước ngoài không chỉ là ước mơ của mọi người mà còn là sự thách thức đối với những người muốn trải nghiệm những điều mới mẻ. Tại sao chúng ta lại có thể chìm đắm trong thế giới này? Đó chính là nhờ vào một "chìa khóa" quan trọng - visa.

    Visa là gì?

    Visa còn được gọi là thị thực nhập cảnh. Visa là loại giấy tờ chứng nhận của cơ quan có thẩm quyền (lãnh sự quán) thuộc một quốc gia để xác minh người được cấp visa có quyền nhập cảnh vào quốc gia đó. Tùy vào trường hợp nhập cảnh một lần hay nhiều lần mà thời gian lưu lại của visa sẽ khác nhau.
    Không phải quốc gia nào cũng yêu cầu có Visa khi nhập cảnh. Một số quốc gia đã miễn trừ chính sách áp dụng Visa nhập cảnh như các nước Đông Nam Á và một số quốc gia đặc biệt khác. Do đó, người nước ngoài muốn nhập cảnh vào Việt Nam phải có visa và các giấy tờ khác theo quy định, trừ trường hợp được miễn visa.

    Có những loại visa nào?

    Có 2 loại visa chính, bao gồm:
    Visa di dân dùng trong trường hợp nhập cảnh và định cư tại một quốc gia theo diện cha mẹ bảo lãnh con cái, diện vợ chồng,…
    Visa không di dân dùng trong trường hợp nhập cảnh vào một quốc gia trong 1 khoảng thời gian cho phép, bao gồm các diện: du lịch, công tác, kinh doanh, điều trị chữa bệnh, hợp tác lao động, học tập, ngoại giao, chính trị,…
  • Visa du lịch: Là loại visa cho phép người nước ngoài nhập cảnh để tham quan, du lịch, thời hạn không quá 30 ngày mỗi lần nhập cảnh, sau 30 ngày được xem xét gia hạn.
  • Visa du học: Là giấy phép cho phép du học sinh ở lại đất nước để học tập với thời gian đủ lâu tương ứng với khóa học mà bạn theo học.
  • Visa công tác: Là một trong những diện visa nhập cảnh phổ biến cho người nước ngoài để giải quyết công việc, công tác.
  • Visa lao động: Là giấy tờ thị thực cấp cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo diện có hoặc không cần có giấy phép lao động.
  • Visa đầu tư: Là loại visa được cấp cho các nhà đầu tư nước ngoài hoặc người đại diện cho các tổ chức nước ngoài thành lập hoặc góp vốn vào doanh nghiệp, công ty nước sở tại.
  • Visa thăm thân: Là visa cho người nước ngoài có bố, mẹ, vợ, chồng, con,… sống ở nước khác, thời hạn 12 tháng và có thể gia hạn hoặc chuyển đổi sang thẻ tạm trú thăm thân.
  • Visa điện tử: Là loại visa online cho người nước ngoài vào du lịch, thăm thân, làm việc… với thời hạn tối đa 30 ngày. Visa này chỉ được cấp cho một số quốc gia nhất định.
  • Passport là gì? Hộ chiếu và Visa khác nhau như thế nào?

    Passport hay còn gọi là hộ chiếu, là một trong những giấy tờ tùy thân quan trọng để làm thủ tục xuất nhập cảnh. Công dân được cấp Passport có xác nhận của cơ quan nhà nước về đặc điểm và thông tin cá nhân cũng như quốc tịch để có quyền xuất cảnh khỏi đất nước và nhập cảnh trở lại từ nước ngoài.
    Passport (hộ chiếu) hoàn toàn khác với Visa. Hộ chiếu là giấy tờ chính phủ cấp cho công dân tại quốc gia của mình. Còn Visa là giấy phép của nước bạn muốn đến xin nhập cảnh nhưng không phải là công dân của nước đó.
  • Hộ chiếu phổ thông: Là hộ chiếu quốc gia được cấp cho công dân Việt Nam từ 14 tuổi trở lên có thời hạn là 10 năm kể từ ngày cấp. Bạn sẽ phải xuất trình hộ chiếu phổ thông khi xuất nhập cảnh và có thể dùng nó thay cho chứng minh nhân dân.
  • Hộ chiếu công vụ: Là hộ chiếu cấp cho cán bộ công chức nhà nước có thẩm quyền, cho phép cá nhân trong cơ quan, chính phủ thực hiện công vụ ở nước ngoài.
  • Hộ chiếu ngoại giao: là giấy tờ tùy thân chỉ được cấp cho một số chủ thể nhất định như quan chức ngoại giao của chính phủ công tác ở nước ngoài hoặc người thân của những người có chức vụ cao trong cơ quan nhà nước.
  • Thủ tục xin cấp visa như thế nào?

    Mỗi quốc gia thường có các điều kiện cấp visa khác nhau về thời hạn hiệu lực và khoảng thời gian có thể lưu lại. Thường thì visa hợp lệ cho nhiều lần nhập cảnh nhưng có thể bị thu hồi bất cứ lúc nào và với bất kỳ lý do gì.
    Về thủ tục cấp visa, tùy vào mỗi nước hoặc vùng lãnh thổ sẽ có những quy định riêng. Bạn có thể liên hệ với Đại sứ quán nước nhập cảnh hoặc các dịch vụ hỗ trợ làm visa để hỏi thủ tục chi tiết nhưng hầu hết đều theo các bước sau:
    Bước 1: Xác định điểm đến của bạn. Quốc gia bạn dự định đến sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quá trình làm visa của bạn. Nếu đây là lần đầu bạn xin visa đi nước ngoài thì nên tìm hiểu các nước có chính sách nới lỏng visa để dễ dàng đậu hơn.
    Bước 2: Xác định mục đích chuyến đi và chuẩn bị hồ sơ. Tùy vào mục đích mà cơ quan lãnh sự sẽ yêu cầu bạn bổ sung một số giấy tờ liên quan cần thiết. Biết được những yêu cầu này sẽ giúp bạn chuẩn bị hồ sơ đầy đủ và nhanh chóng hơn.
    Bước 3: Tìm hiểu nơi cấp thị thực. Visa có thể được cấp trực tiếp hoặc thông qua lãnh sự quán của quốc gia đó. Nếu không có đại sứ quán hoặc lãnh sự quán, bạn phải đến một quốc gia thứ ba có các cơ quan này để làm thủ tục visa.
    Bước 4: Hoàn thiện thủ tục nộp hồ sơ và chờ đợi lấy visa. Để tránh rắc rối về thủ tục giấy tờ, bạn nên tiến hành làm visa trước ít nhất nửa tháng, không nên làm quá cận ngày vì có thể chậm trễ visa làm ảnh hưởng đến chuyến đi của bạn.

    Hồ sơ xin cấp visa gồm những giấy tờ là gì?

    Một hồ sơ xin cấp Visa thường có những yêu cầu căn bản như:
  • Đơn xin cấp visa.Đây là tờ khai thể hiện mong muốn làm visa đối với cơ quan có thẩm quyền.
  • Hộ chiếu (hay còn gọi là Passport) như chứng minh thư của bạn khi ở nước ngoài. Bạn sẽ phải xuất trình hộ chiếu khi nhập cảnh hoặc xuất cảnh ở bất kỳ quốc gia nào.
  • Ảnh cá nhân.Ảnh giúp nhận dạng người được cấp visa, phải được chụp gần nhất trong bao nhiêu tháng, không đeo kính đen, mắt nhìn thẳng, không đội mũ,…
  • Giấy tờ thông tin cá nhân. Xác nhận lại lý lịch tư pháp của bạn như hộ khẩu, chứng minh thư nhân dân, thẻ căn cước công dân,…
  • Giấy tờ về thân nhân. Cung cấp thêm thông tin về bạn, người thân trong gia đình có thể liên hệ trong trường hợp bất ngờ xảy ra.
  • Giấy tờ chứng minh công việc. Mục đích của giấy tờ này là khai báo cho cơ quan có thẩm quyền về nghề nghiệp, chức danh và vị trí làm việc của bạn.
  • Giấy tờ chứng minh tài chính. Bạn cho cơ quan cấp visa thấy được tiềm lực tài chính của bạn đến đâu. Thể hiện bạn có khả năng chi trả các chi phí trong chuyến đi và không trốn ở lại quốc gia đó khi hết thời gian lưu trú.
  • Giấy tờ chứng minh mục đích nhập cảnh. Mục đích nhập cảnh là tiêu chí để phân loại visa. Từ đó, quyết định đến các loại giấy tờ đã nêu ở trên.
  • Bảo hiểm hoặc một số giấy tờ khác trong trường hợp đặc thù.
  • Hầu hết các lãnh sự quán đều yêu cầu bản hồ sơ xin Visa được dịch sang Tiếng Anh vì vậy bạn nên chuẩn bị kỹ. Ngoài ra, việc cấp Visa sẽ được thu phí theo quy định của mỗi lãnh sự quán. Các thông tin liên quan đến cấp Visa bạn có thể tìm hiểu ngay tại website chính của lãnh sự quán.

    Các trường hợp, đối tượng được miễn visa/thị thực

    Căn cứ Điều 12, 13 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014 sửa đổi 2019 quy định về các trường hợp được miễn visa như sau:
    Điều 12. Các trường hợp được miễn thị thực
    1. Theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. 2. Sử dụng thẻ thường trú, thẻ tạm trú theo quy định của Luật này. 3. Vào khu kinh tế cửa khẩu, đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt. 4. Theo quy định tại Điều 13 của Luật này. 5. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài có hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp và người nước ngoài là vợ, chồng, con của họ; người nước ngoài là vợ, chồng, con của công dân Việt Nam được miễn thị thực theo quy định của Chính phủ.
    Điều 13. Đơn phương miễn thị thực
    1. Quyết định đơn phương miễn thị thực cho công dân của một nước phải có đủ các điều kiện sau đây:
  • Có quan hệ ngoại giao với Việt Nam;
  • Phù hợp với chính sách phát triển kinh tế – xã hội và đối ngoại của Việt Nam trong từng thời kỳ;
  • Không làm phương hại đến quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội của Việt Nam.
  • 2. Quyết định đơn phương miễn thị thực có thời hạn không quá 05 năm và được xem xét gia hạn. Quyết định đơn phương miễn thị thực bị hủy bỏ nếu không đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này. 3. Căn cứ quy định của Điều này, Chính phủ quyết định đơn phương miễn thị thực có thời hạn đối với từng nước.

    Các nước nào miễn visa cho người Việt Nam?

    Các điểm đến miễn thị thực với công dân Việt Nam bao gồm 21 nước: quần đảo Cook, Micronesia, Niue, Barbados, Haiti, Saint Vincent & Grenadines, Singapore, Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Thái Lan, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Chile, Ecuador, Panama, Dominica.
    Các điểm đến có cấp visa on arrival: quần đảo Marshall, quần đảo Palau, Samoa, Tuvalu, Iran, Kuwait, St Lucia, Maldives, Nepal, Tajikistan, đông Timor, Bolivia, quần đảo Cape Verde, quần đảo Comoro, Guinea-Bissau, Kenya, Madagascar, Malawi, Mauritanie, Mauritius, Mozambique, Namibia, Rwanda, Senegal, Seychelles, Sierra Leone, Somalia, Tanzania, Togo, Uganda, Zambia.
    Các điểm đến chấp nhận visa eTA: Đài Loan (Trung Quốc), Sri Lanka. Ngoài ra, Algeria, Afghanistan, Mông Cổ, Nicaragua, Romania và Cuba là những nước cấp thị thực cho người Việt có hộ chiếu còn hạn và không thu lệ phí.

    Kinh nghiệm khi phỏng vấn xin visa thành công là gì?

    Để xin Visa thành công, bên cạnh việc chuẩn bị hồ sơ với đầy đủ giấy tờ cần thiết thì kỹ năng phỏng vấn là một trong những yếu tố quan trọng sẽ quyết định bạn có được cấp Visa hay không.
    Dưới đây sẽ là một số lưu ý cần thiết giúp bạn chủ động trong buổi phỏng vấn xin Visa của mình. Hãy yên tâm vì chỉ cần một tâm lý vững vàng và sự chuẩn bị kỹ lưỡng thì việc sở hữu một tấm Visa là điều không hề khó.
    Các điểm đến chấp nhận visa eTA: Đài Loan (Trung Quốc), Sri Lanka. Ngoài ra, Algeria, Afghanistan, Mông Cổ, Nicaragua, Romania và Cuba là những nước cấp thị thực cho người Việt có hộ chiếu còn hạn và không thu lệ phí.
    Lưu ý thời gian và địa điểm phỏng vấn: Hãy kiểm tra kỹ thời gian và địa điểm phỏng vấn theo lịch hẹn để tránh những trường hợp đến muộn tạo cho người phỏng vấn một ấn tượng không tốt về bạn. Bạn nên đến sớm hơn ít nhất 15 phút để có thời gian chuẩn bị và chỉnh trang lại giúp bạn tự tin hơn.
    Trang phục đi phỏng vấn phù hợp: Bạn cần chú ý đến trang phục khi đi phỏng vấn, cần phải gọn gàng và lịch sự. Phụ nữ nên trang điểm nhẹ nhàng, đàn ông thì chỉn chu trong quần áo, tóc tai và mùi cơ thể sẽ giúp bạn tự tin hơn trong buổi phỏng vấn.
    Chuẩn bị tâm lý thoải mái trước buổi phỏng vấn:Bạn cần chú ý giữ tâm lý thoải mái, tự nhiên để luôn bình tĩnh và có những câu trả lời phỏng vấn thật rõ ràng. Phải tuyệt đối trả lời những câu hỏi một cách thành thật, vì nếu phát hiện sự không thành thật thì tỉ lệ đậu visa gần như bằng 0 và cũng ảnh hưởng đến những lần xin visa sau.
    Tham khảo trước một số câu hỏi: Vào đầu buổi phỏng vấn, nhân viên Đại sứ quán thường có các câu hỏi quen thuộc về thông tin cá nhân, sở thích, gia đình và khả năng tài chính. Bạn nên tham khảo cách trả lời của những câu hỏi này để tập trả lời thật lưu loát. Việc đó giúp bạn không mất bình tĩnh ngay những phút đầu và tăng sự tự tin cho bạn.
    Chú ý các thiết bị điện tử:Điện thoại di động không được phép mang vào bên trong Đại sứ quán/Lãnh sự quán. Do đó, bạn nên cất ở trong xe hoặc gửi phòng bảo vệ.